Trước khi kết hôn, chúng tôi không có thời gian tìm hiểu nhau, qua người quen của anh ý giới thiệu nên cả hai cưới chỉ sau một tháng quen biết. Ngay những ngày đầu về chung sống tôi nhận thấy chồng ăn nói không có văn hóa, thường xuyên văng tục chửi bậy khi có điều gì không vừa ý, từ những cái nhỏ nhất. Không phải chỉ với vợ mà cả với hàng xóm láng giềng ở quê, mấy lần tôi đã chứng kiến chồng và mẹ chồng sang tận cổng nhà hàng xóm chửi nhau thậm tệ, văng tục rất khó nghe.
Trong cuộc sống thường nhật, cứ điều gì không vừa ý là anh lại xưng mày tao, chửi bới vợ bằng ngôn từ ai nghe cũng phải đỏ mặt. Chồng tôi đi làm không về nhà ngay, thường xuyên la cà quán xá, đánh lô đề. Tôi gọi về, vừa vào đến nhà anh đã chửi bậy. Mỗi lần anh chửi tôi chỉ biết im lặng, mở lời ra anh càng chửi, anh không biết lý lẽ đúng sai, phải trái gì. Có những bữa tôi nấu ăn không vừa miệng là anh quát: "Mày nấu thế này thì ăn hết đi, tao không ăn". Con hư là anh nói con: "Tao đạp cho mày mấy phát giờ". Thật sự những lẽ đó làm tôi tổn thương vô cùng và thấy bị xúc phạm.
Đó là chuyện của chồng tôi, còn bố mẹ chồng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, không coi con dâu ra gì. Khoảng hai tháng tôi lại cho con về quê là bà kể chuyện ở nhà tiêu hết nhiều tiền, than phiền nhiều đám xá phải đi, hay phải mua thuốc thang, cần làm việc nọ việc kia phải có tiề. Mỗi lần về quê tôi cũng mua quà biếu bố mẹ chồng tầm 300 đến 500 nghìn đồng, cảnh công nhân thuê nhà trọ rồi hai đứa con thơ đi học cũng không có nhiều tiền. Nhiều lúc tôi nghe những lời lẽ chửi bới của chồng mà chỉ muốn chấm dứt ngay cuộc hôn nhân này. Rồi tôi lại nghĩ nếu ly hôn thì một đứa ở với bố, một đứa ở với mẹ, thương con quá. Còn cứ duy trì cuộc sống như thế này tôi sẽ bị ảnh hưởng tinh thần và stress. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên xác đáng. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Ngân
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Thân gửi chị!
Đọc lá thư chị gửi đến, tôi thực sự cảm nhận được một người phụ nữ mạnh mẽ, mang trong mình tình yêu thương to lớn với các con. Chị luôn cố gắng bảo vệ gia đình nhỏ của mình, hy sinh mọi điều có thể để giữ vững một gia đình đầy đủ có bố mẹ cho hai đứa con nhỏ. 5 năm không phải là một khoảng thời gian ngắn, chắc hẳn chị đã rất vất vả, hao tổn cả về thể chất lẫn tinh thần. Có lẽ điều giúp chị vượt qua những sự khó nhọc đó chính là tình yêu thương dành cho các con.
Cảm ơn chị, sau 5 năm tự gánh vác đã quyết định tìm đến những nguồn trợ giúp khác, như một dấu hiệu chứng minh giờ đây chị hoàn toàn sẵn sàng cho sự thay đổi mới, một sự thay đổi tích cực hơn, cho cả chị lẫn hai đứa con nhỏ. Có lẽ chị mong muốn tìm ra một kế hoạch hoàn hảo để đạt được tất cả mong muốn của bản thân cùng một lúc: chồng chị sẽ thay đổi tâm tính mà lo lắng cho vợ con; bố mẹ chồng không còn đòi hỏi về tiền bạc; các con được nuôi dạy và phát triển trong môi trường tích cực, có đầy đủ sự yêu thương của cả bố lẫn mẹ; bản thân chị sẽ trở thành một người vợ đảm, người mẹ hiền, người con dâu có hiếu. Đó là một hình tượng hoàn hảo không chỉ làm vừa lòng những người xung quanh mà còn là để chính chị cảm thấy an toàn. Đây là hình ảnh chị muốn được xã hội nhìn nhận, hay nói theo cách khác, đó là nhu cầu chung của xã hội, nhưng lại vô tình biến thành thước đo riêng dành cho cuộc đời chị.
Tôi tin rằng bấy lâu nay chị luôn biết rõ đâu là mong mỏi thực sự đang nằm sâu thẳm trong tâm trí nhưng đã vô tình để cho những lo lắng sợ hãi bị phán xét, bị điều tiếng của bản thân che mất. Đây có thể là yếu tố lớn nhất đã ngăn chị, trong suốt khoảng thời gian dài qua, chưa có hành động cụ thể để tạo ra thay đổi, đạt được những điều mình mong muốn. Sống trong một xã hội với nhiều mối quan hệ ràng buộc, ai cũng sẽ bị đánh giá bởi người khác, điều quan trọng chính là họ thích nghi với điều đó để không cản trở đến quá trình biến những mong mỏi của bản thân thành hiện thực.
Dưới đây là một số đề xuất của tôi để chị nhận ra và bước đầu vượt qua được rào cản, giải tỏa áp lực đang đè nặng trong tâm trí của chị:
Tập trung chăm sóc và hiểu hơn về bản thân: Việc tự nhận thức bản thân luôn là bước đầu tiên để chị hiểu hơn về mình. Quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc chị biết được mình cần làm gì để bản thân đạt được trạng thái thoải mái, dễ chịu. Điều này cần chị dành cho mình thời gian riêng mỗi ngày: dành ra 3 phút để thư giãn, khoảng thời gian thư giãn này có thể được vận dụng từ chính khoảng thời gian sẵn có của chị mà chị đã vô tình bỏ quên mất: khi tắm, khi đi dạo, trước khi dậy khỏi giường, trước khi chìm vào giấc ngủ... 3 phút tuy ngắn, những sẽ hiệu quả nhất khi toàn bộ cơ thể được thả lỏng, những suy nghĩ vẩn vơ được gạt sang một bên, chỉ còn tập trung vào một vài điều quan trọng trong thời điểm hiện tại như: mình sẽ chuẩn bị làm gì để mình dễ chịu sau khi kết thúc 3 phút này, mình sẽ làm gì để giúp người khác dễ chịu sau 3 phút này
Thoát ra khỏi những lo lắng, nỗi sợ của chính mình về tương lai: Điều quan trọng đầu tiên chị cần thừa nhận chính là nỗi sợ của mình: lo lắng mình bị đàm tiếu, sợ rằng mình không làm tròn hết trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con, sợ các con không được ở với bố mẹ thì sẽ thiệt thòi,... Thay vì chỉ chú tâm vào những điều này để rồi ngày càng chìm sâu vào lo âu, dằn vặt, chị hãy tập trung vào những điều mình có thể làm. Việc này sẽ giúp chị hướng bản thân vào mục tiêu của bản thân một cách tích cực, lạc quan hơn. Cho dù sau này những lo lắng của chị thành sự thực, người có trách nhiệm vượt qua sẽ là chị của tương lai sau này. Nếu hiện tại chị chưa thể phó mặc, tin tưởng bản thân của tương lai, vậy hãy quay lại với những việc có thể làm và tập trung vào thành quả chị mong muốn, để tăng sự tự tin và lòng tin của chị vào chính mình.
Tìm ra điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại: Chính là một câu hỏi để giúp chị không vì những nỗi sợ của bản thân mà quên đi nhu cầu to lớn của mình, đó là: Liệu điều đáng được chị tập trung vào nhiều hơn hiện giờ, sẽ là (1) những lời đánh giá, cái nhìn của xã hội, thứ sẽ không bao giờ chấm dứt; hay (2) sự an toàn của chị và các con? Là một người mẹ, tôi tin chắc rằng chị luôn cố gắng dành tất cả những điều thương yêu nhất cho các con, một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ là thứ chị luôn luôn gìn giữ. Nhưng điều bọn trẻ cần chính là một gia đình đúng nghĩa: là một nơi thúc đẩy bọn trẻ phát triển tốt nhất có thể. Tôi tin rằng chị hiểu môi trường hiện tại không phải là nơi như vậy.
Chị đang không ở trong trạng thái tích cực, tinh thần thường xuyên phải chịu nhiều áp lực, trở nên stress kéo dài. Một người mẹ khỏe mạnh sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh. Nếu bố mẹ không có được sức khỏe tinh thần lành mạnh, trẻ sẽ khó có được điều kiện phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy tôi mong mỏi người đầu tiên dịch vụ dịch thuật chị tập trung chăm sóc trước chính là bản thân. Việc hiểu về bản thân, vượt qua được nỗi sợ và tập trung vào ước muốn sẽ là bước đầu cần thiết để chị tìm lại sự cân bằng. Bên cạnh đó, tôi khuyến khích chị tiếp tục tự tìm cho mình những giải pháp hỗ trợ tinh thần, giống như bức thư chị gửi đến cho tôi để được tư vấn, hay tìm đến chỗ dựa tinh thần mới như: các tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ của chính phủ hay những người có chuyên môn hỗ trợ về tâm lý để được trợ giúp kịp thời.
Tự mình vượt qua nỗi sợ là một hành trình đầy dũng cảm. Tôi tin rằng, sự mạnh mẽ và tình yêu thương chính mình và các con sẽ giúp chị vượt qua được giai đoạn khó khăn này, đem lại một cuộc sống mới tích cực hơn. Mong rằng bức thư này của tôi giúp tiếp chút năng lượng tích cực cho chị để vượt qua những khó khăn sắp tới. Với tất cả sự chân thành của mình, tôi chúc chị sẽ có đủ sự vững vàng, cùng các con hướng tới cuộc sống hạnh phúc và sớm nhận được mọi điều tốt lành.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét